1. Giấy Kraft là gì?
Khái niệm
Giấy Kraft có tên gọi khác là giấy tái sinh, là loại giấy in túi có đặc điểm màu nâu vàng, độ sáng khác nhau tùy vào từng nhà cung cấp giấy và loại giấy Kraft được ưa chuộng nhất hiện nay là loại giấy Kraft đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Indonesia,…
Ở Việt Nam thường gọi loại giấy này là giấy xi măng vì nó được ứng dụng làm túi đựng xi măng. Giấy Kraft được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực của đời sống, đặc biệt là được dùng làm bao bì sản phẩm bởi những đặc tính vượt trội: bền, dai, chịu lực tốt. Những đặc điểm này được hình thành trong quá trình sản xuất bột giấy Kraft.
Đặc điểm
Đặc điểm thú vị nhất của giấy Kraft mà các doanh nghiệp thường yêu thích đó là tính thẩm mỹ mà nó mang lại. Khác với các loại giấy mang lại vẻ đẹp sang trọng như giấy Crystal, giấy Ivory vv , giấy mỹ thuật,… thì giấy Kraft lại đem đến cảm giác khác lạ. Do có màu nâu vàng và bề mặt thô, nhám nên giấy Kraft mang tới vẻ đẹp đơn giản và tự nhiên, phù hợp với những sản phẩm handmade hoặc đi theo concept giản dị mà nhiều khách hàng rất thích.
Một số túi giấy Kraft tuy được nhuộm màu và in ấn đẹp nhưng bản thân chất liệu thô ráp của nó vẫn khiến khách hàng có cảm nhận mới lạ hơn về bao bì so với các chất giấy khác, đặc biệt là các khách hàng có quan tâm đến vấn đề môi trường. Không chỉ đem tới hơi hướng tự nhiên mà giấy Kraft thực sự là chất liệu thân thiện với môi trường, có thể tái chế, khiến cho việc sử dụng túi giấy Kraft làm bao bì thay cho túi nilon đang trở thành một xu hướng nhận được nhiều sự quan tâm trên thị trường.
“Kraft” trong tiếng Đức có nghĩa là sức mạnh. Như đã nói ở trên, do đặc thù của quá trình sản xuất mà giấy Kraft có tính đanh, dẻo dai và tương đối thô. Lignin trong bột giấy thấp làm cho nó cứng và bền hơn các vật liệu giấy khác. Giấy có độ bền lớn, xé rách, có khả năng bắt mực (mật độ phân tử thấp) và có độ thấm có kiểm soát tùy vào từng mục đích sử dụng (hay độ xốp). Vì vậy mà giấy Kraft được ứng dụng rất nhiều trong đời sống.
Tuy nhiên, giấy Kraft vì có đặc điểm là thô, bề mặt ráp và dễ thấm mực nên rất dễ gây nhòe khi viết lên hoặc khi in. Bởi vậy mà thông thường người ta không in ấn quá phức tạp, nhiều màu sắc lên giấy Kraft, cũng không thể sử dụng những công nghệ in bám màu, dùng nhiệt như in UV, in chuyển nhiệt,…
Từ những đặc điểm, người ta rút ra những ưu, nhược điểm của giấy Kraft trong in ấn:
Ưu điểm
- Có tính đanh, dẻo dai, tương đối thô, dày dặn
- Khả năng tạo hình tốt
- Độ bền tốt
- Khả năng bắt mực tốt
- Dễ phân hủy trong môi trường tự nhiên
- Có thể tái chế được
- Có hình thức đẹp
- Giá thành rẻ
- Không cầu kỳ về hình thức hay kỹ thuật sản xuất nên giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí
Nhược điểm
- Không sử dụng được với các sản phẩm dạng lỏng, dạng keo
- Dễ thấm nước, thấm dầu
- Dễ rách
2. Lý giải đặc điểm của giấy Kraft
Tại sao giấy Kraft lại khác với đa phần các loại giấy thông thường như giấy Couche, Ford, Bristol,…? Nguyên nhân hình thành nên những đặc điểm của giấy Kraft là đến từ quy trình sản xuất ra nó.
Giấy Kraft được sản xuất bằng quy trình Kraft, giống như các phương pháp sản xuất giấy khác, liên quan đến việc chuyển đổi hóa học của gỗ thành bột gỗ.
Các thành phần cấu trúc trong gỗ là lignin và cellulose. Để tạo ra được bột giấy, người ta phải sử dụng các quá trình sunfat. Đối với các loại giấy khác, quá trình này làm suy giảm cellulose, để lại nhiều lignin, khiến cho giấy thường không bền, không dai. Trong khi đó, bột giấy Kraft lại loại bỏ được phần lớn lignin trong gỗ. Độ lignin thấp ảnh hưởng rất lớn đến độ bền của giấy, vì bản chất kỵ nước của lignin cản trở sự hình thành các liên kết giữa các cellulose trong sợi. Bởi lý do này mà đặc điểm quan trọng của giấy Kraft chính là có độ bền, dai và dày dặn.
Bột giấy Kraft có màu sẫm hơn các loại bột gỗ khác, nhưng nó có thể được tẩy trắng để tạo ra bột giấy rất trắng. Bột giấy Kraft được tẩy trắng hoàn toàn được sử dụng để làm giấy chất lượng cao, trong đó độ bền, độ trắng và khả năng chống ố vàng rất quan trọng.
Và không giống như các phương pháp khác, giấy Kraft có thể được sản xuất từ tất cả các loại gỗ, bao gồm cả nhựa thông và tre, vốn là những nguyên liệu không được sử dụng trong các quy trình làm giấy truyền thống. Ngoài ra, việc sản xuất từ các nguyên liệu này còn giúp tiết kiệm ở chỗ gần như tất cả các hóa chất được sử dụng trong quy trình được thu hồi và tái sử dụng.
Giấy Kraft có thể được phủ một lớp Polyetylen hoặc Zein để tăng khả năng chống ẩm, bám dầu mỡ và vi khuẩn. Nếu phủ Polyetylen thì khả năng tái chế thấp. Nếu phủ Zein thì khả năng tái chế giấy sẽ cao hơn.
3. Phân loại giấy Kraft
Tùy thuộc vào tính chất và công dụng, giấy Kraft có nhiều cách sử dụng khác nhau. Giấy Kraft là một loại giấy không có đặc điểm kỹ thuật nhất định, thường là theo tính chất và cách sử dụng khác nhau để được phân loại.
- Theo màu sắc: giấy Kraft màu tự nhiên (nâu), giấy Kraft đỏ, giấy Kraft trắng, giấy Kraft trơn, giấy Kraft đơn nhẹ, giấy Kraft hai màu,… Nhờ vào công nghệ in ấn và nhuộm màu tiên tiến và ngày càng phát triển hiện nay nên màu sắc của sản phẩm túi giấy Kraft cũng đa dạng để phù hợp với từng loại sản phẩm.
- Theo mục đích sử dụng: bao bì giấy Kraft, giấy Kraft không thấm nước, giấy Kraft ẩm, giấy Kraft gỉ, bảng Kraft cách nhiệt,,…
- Theo vật liệu sản xuất: giấy Kraft tái chế, giấy Kraft thô, giấy Kraft bột gỗ, giấy Kraft tổng hợp,…
Loại túi giấy Kraft được sử dụng nhiều nhất là bao bì giấy Kraft. Nếu được dùng để đựng thực phẩm thì người ta thường dùng giấy Kraft chống thấm tốt, giấy Kraft tái chế. Nếu dùng để đựng vật liệu xây dựng, đồ dùng thì giấy Kraft thô được ưa chuộng.
4. Các thông số kỹ thuật của giấy Kraft
Định lượng
Giấy Kraft có định lượng khoảng 70-400g/m2.
Kích thước
Giấy Kraft được bán theo cuộn theo kích thước cuộn 80cm, 110cm, 120cm,…
Giấy cũng có thể được bán theo khổ A4, A3,… hoặc tùy theo kích thước khách hàng yêu cầu.
5. Giấy Kraft được in ấn bằng công nghệ gì?
Do bề mặt giấy Kraft khá thô và nhám, loại giấy này lại thường được sử dụng ở định lượng thấp nên các phương pháp gia công như cán màng, in phủ UV, dập chìm nổi,… để tạo tính thẩm mỹ hoàn toàn vô nghĩa với chất liệu này này. Thay vì vậy, người ta thường chú trọng tới hình ảnh, màu sắc, họa tiết đơn giản cũng như quy cách và chất liệu quai túi nhiều hơn.
Do đặc điểm bề mặt nên Kraft không được in ấn quá phức tạp
Ngoài ra, giấy Kraft rất xốp (mật độ phân tử thấp) nên nếu sử dụng các công nghệ in như in chuyển nhiệt (để mực bám sâu xuống các phân tử giấy) thì sẽ gây nhòe mực, chất lượng bản in không rõ nét. Vì vậy mà người ta chỉ có thể sử dụng phương pháp in cho mực bám trên bề mặt: in Offset
In túi giấy Kraft bằng công nghệ in Offset có nhiều ưu điểm như:
- Hình ảnh in Offset sắc nét, sạch sẽ: Do hệ thống bánh răng in bằng cao su có tính đàn hồi, có thể áp đều lên bề mặt cần in. Đồng thời, mực được in lên tấm ép, sau đó truyền qua bề mặt giấy Kraft nên tránh nhòe mực, đảm bảo hình ảnh sạch sẽ và tinh tế hơn (do giấy Kraft có độ xốp cao).
- Đều màu, hạn chế chênh màu sắc giữa các bản in: Không in trực tiếp mà thông qua một ống cao su ép hình ảnh lên giấy nên in offset thường dùng cho những đơn hàng in túi giấy Kraft với số lượng lớn, đảm bảo tính đồng màu giữa các sản phẩm túi giấy.
- In số lượng càng nhiều, giá càng giảm: Vì tính chất của phương pháp in này là sử dụng các bản in cố định, nên nếu in càng nhiều thì giá túi giấy Kraft càng giảm mà hình ảnh vẫn giữ chất lượng cao. Không chỉ vậy, in Offset còn tiết kiệm đáng kể chi phí về mực in.
Giấy Kraft có giá rẻ hơn so với các dòng giấy khác, nhưng có thể khi bạn in trên giấy khác thì chi phí lại rẻ hơn giấy Kraft. Vì giấy Couche, Bristol là giấy phổ thông trong in ấn, do đó các xưởng in nhập về với số lượng lớn. Trong khi đó giấy Kraft không phải ai cũng thích sử dụng, do vậy mỗi lần dùng giấy Kraft trong in ấn, các công ty in ấn thường mua ở các xưởng giấy với số lượng hợp lý. (Mua ít thì giá thành sẽ cao hơn so với số lượng hàng tấn giấy Couche, giấy Bristol).
6. Ứng dụng của giấy Kraft
Giấy Kraft được ứng dụng nhiều nhất là dùng làm bao bì, túi đựng thực phẩm, hàng hóa, vật liệu bởi những lý do dưới đây:
Khi sản xuất bao bì làm từ giấy Kraft, cuộn giấy Kraft và vải PP được tráng ghép lại để tạo thành màng phức hợp gồm giấy và vải. Điều này giúp cho giấy trở nên bền hơn và có thêm những đặc tính như chống nước, không bám dầu mỡ, dai hơn,…
- Đặc điểm thô ráp của giấy Kraft khiến cho nó có khả năng chống trơn trượt, chống vỡ và giảm thiểu va chạm khi vận chuyển. Dùng Kraft để đựng hàng hóa vừa thuận tiện, không làm tăng thêm nhiều trọng lượng của hàng hóa, giúp tiết kiệm chi phí vận chuyển lại vừa không cần dùng thêm những lớp bảo vệ.
- Giấy Kraft đặc biệt thích hợp để làm túi giấy Kraft nhiều lớp để đựng xi măng, bột trét, bột barit, titan dioxide, vữa khô và tất cả các sản phẩm bột, hàng hóa khô để không bị rò rỉ, bị ẩm và ngấm.
- Giấy Kraft dày dặn nên có khả năng tạo hình tốt. Bất cứ một thương hiệu nào khi làm bao bì đều mong muốn chiếc túi của mình được in ấn đẹp, được tạo hình đặc sắc. Các chất giấy khác đều quá mỏng và dễ rách để có thể chịu được qua bước gấp, tạo hình nên giấy Kraft dai, bền, chịu lực tốt là lựa chọn hàng đầu.
Các loại giấy Kraft có định lượng cao, độ dày tốt được sử dụng làm name card, tag quần áo, bao thư, bìa hồ sơ, menu quán ăn, lịch,… Ngoài ra, giấy Kraft còn được tái chế lại làm thành các loại giấy tập học sinh, giấy viết, giấy thủ công, thiệp mời, bưu thiếp, quảng cáo,…
Giấy Kraft định lượng thấp được ứng dụng là tem decal giấy. Một decal giấy kraft khi in ra sẽ thường có cấu trúc 3 – 4 lớp như: lớp keo nhãn, lớp ngăn cách dính, lớp đế tem nhãn, lớp mặt giấy kraft. Cấu trúc cụ thể của từng mặt:
- Lớp keo nhãn: thường sử dụng keo acrylic để phủ lên phía dưới dính vào lớp mặt giấy phía lên
- Lớp ngăn cách dính: lớp này thường là giấy kraft được tráng PE hoặc silicon phủ ở giữa lớp đế và lớp keo giúp cho hai lớp không bị dán dính vào nhau
- Lớp đế tem nhãn là lớp bảo vệ lớp keo trước khi được lấy ra sử dụng
- Lớp mặt giấy kraft là lớp có màu nâu vàng được in các màu sắc, thông tin cụ thể phía trên. Tuy nhiên lớp này khá kén màu in nên có một số màu phù hợp để in lên là màu đen, đỏ , trắng, xanh đậm. Các màu khác khi in sẽ không tạo hiệu ứng tốt cho decal như bốn màu này.
Sau khi in tem giấy kraft bạn có thể sử dụng để dán lên bất cứ sản phẩm, bề mặt nào, một số ứng dụng của nhãn giấy kraft có thể kể đến như:
- Dán trên các lọ thủy tinh, chai nhựa trong suốt giúp nổi bật sản phẩm
- Sử dụng trên các ly nhựa, chai nhựa của các cửa hàng cafe, trà sữa
- Dán trên các thiệp mời cùng chất liệu kraft
- Dán trên các hộp mỹ phẩm, hộp kem, hộp trang điểm, hộp đựng thực phẩm bằng giấy kraft, hộp quà tặng
- Dán trên các tag giấy chất liệu kraft hoặc các chất liệu khác
Giấy Kraft vừa bền, mang tính thẩm mỹ cao mà còn giúp bảo vệ môi trường nhờ khả năng tái chế thay vì sử dụng túi nilon. Rất nhiều doanh nghiệp đang lựa chọn giấy Kraft làm một chất liệu in ấn bao bì cho sản phẩm của mình.